Trinh sát dù Chiến_dịch_đổ_bộ_của_lính_dù_Mỹ_ở_Normandie

Nhóm trinh sát dù số 2 (Stick 2) của Trung úy J. J. Smith, làm nhiệm vụ đánh dấu bãi thả quân cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 505, Sư đoàn Không vận 82, chụp hình cùng phi hành đoàn C-47 số 10 tại sân bay RAF North Witham, 5 tháng 6 năm 1944

300 lính dù Mỹ của các đại đội trinh sát dù đựoc chia ra thành các nhóm 14-18 người, với nhiệm vụ chính là thiết lập các thiết bị Rebecca/Eureka và phát đèn nháy Holophane để đánh dấu bãi thả quân. Rebecca, một loại thiết bị phát-nhận tín hiệu trên không được thiết kế để nhận tín hiệu khi đi vào phạm vi hoạt động của máy phát Eureka. Các lính dù được huấn luyện sử dụng thiết bị trong hai tháng với các phi hành đoàn. Do toàn bộ máy bay C-47 của TCC IX đều được lắp đặt máy thu Rebecca và để tránh làm nhiễu hệ thống với hàng nghìn tín hiệu được phát cùng lúc, chỉ có các máy bay dẫn đầu đoàn được phét sử dụng máy thu khi tiếp cận khu vực thả quân.

Mặc dù gặp nhiều thất bại và lỗi trong quá trình sử dụng, Rebecca/Eureka đã hoạt động trơn tru trong chiến dịch đổ bộ của Sư đoàn Không vận 82 tại Italy, với nhiệm vụ tăng viện cho Tập đoàn quân số 5 Hoa Kỳ đổ bộ tại Salerno (mật danh: Chiến dịch Avalanche), vào tháng 9 năm 1943. Tuy nhiên, điểm thiếu sót của thiết bị này là trong phạm vi 2 dặm tính từ khu vực phát trên mặt đất, các tín hiệu được phát đi theo dạng đốm sáng nháy, làm cho các thông tin về khoảng cách và phương vị bị mất. Hệ thống được thiết kế để dẫn đường cho đội hình máy bay lớn tiến vào thả quân trong phạm vi vài dặm và sau đó đèn nháy Holophane sẽ được sử dụng để hoàn thành việc dẫn đường.

Mỗi bãi thả quân (DZ) sẽ có ba chiếc C-47 làm nhiệm vụ xác định vị trí và thả các đơn vị trinh sát dù để đánh dấu bãi thả. Mỗi đợt sẽ được tiến hành cách nhau sáu phút. Nhóm trinh sát dù được chi làm hai đợt: nhóm trinh sát dù của Sư đoàn Không vận 101 sẽ được thả trước cuộc đổ bộ chính 30 phút, nhóm trinh sát dù của Sư đoàn Không vận 82 sẽ được thả sau khi Sư đoàn Không vận 101 hoàn thành việc thả quân, khoảng 30 phút trước cuộc đổ bộ chính của Sư đoàn Không vận 82.

Kết quả

Nhiệm vụ đánh dấu bãi thả của các nhóm trinh sát dù phần lớn đều tiến hành không hiệu quả. Trinh sát dù của Sư đoàn Không vận 101 gặp nhiều trở ngại khác nhau. Nhóm đầu tiên, phụ trách DZ A, được thả sai vị trí và phải đánh dấu tại khu vực cách St. Germain-de-Varreville khoảng một dặm. Nhóm này đã không kịp triển khai máy phát Eureka tới khi cuộc đổ bộ chính đã được tiến hành. Nhóm thứ hai được thả vào khu vực gần DZ C, nhưng phần lớn các thiết bị đánh dấu của họ đều bị mất do chiếc máy bay chở thiết bị đã phải hạ cánh khẩn cấp ngoài khơi. Họ thiết lập được một máy phát Eureka và phần lớn phải dùng các đèn hiệu Holophane, nên nhiều phi công đã không thấy được tín hiệu. Nhóm máy bay phụ trách DZ D dọc Sông Douve không thấy được bãi thả và vô tình bay qua vị trí trong kế hoạch. Sau khi bay vòng lại, họ thả nhóm trinh sát dù muộn mười phút và cách mục tiêu hơn một dặm. Khu vực mà nhóm trinh sát dù được thả xuống là bãi thả quân cũ của Trung đoàn Bộ binh Nhảy dù 501, đã được thay đổi sau ngày 27 tháng 5 sau khi có báo cáo lính Đức được tăng cường tại khu vực. Do có nhiều đơn vị lính Đức đóng tại khu vực, lính trinh sát dù không thể dùng đèn nháy và phải phụ thuộc vào máy phát Eureka.

Trinh sát dù của Sư đoàn Không vận 82 dù gặp nhiều khó khăn nhưng đạt được nhiều kết quẩ khả quan hơn. Nhóm đầu tiên phụ trách DZ O gần Sainte-Mère-Église, bay quá xa về phía bắc nhưng đội bay đã kịp vòng lại và thả họ xuống gần DZ của nó. Đây là đơn vị vận hành máy phát Eureka và đèn Holophane hiệu quả nhất trong các nhóm trinh sát dù. Các máy bay chở nhóm đánh dấu DZ N ở phía nam Sainte-Mère-Église, dù xác định chuẩn bãi thả quân, nhưng vẫn thả các toán trinh sát vào khu vực cách một dặm về phía đông nam. Họ đổ bộ vào khu vực đóng quân của Sư đoàn Bộ binh 91 Đức và không thể tiến về bãi đáp để đánh dấu. Các nhóm được chỉ định đánh dấu DZ T ở phía tây bắc Sainte-Mère-Église là những đội duy nhất được thả chính xác, và trong khi triển khai cả Eureka và radio AN/UPN-1 (BUPS), họ không thể sử dụng đèn nháy do có nhiều lính Đức ở gần họ. Tổng cộng bốn trên sáu nhóm đã không phát được đèn nháy.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_đổ_bộ_của_lính_dù_Mỹ_ở_Normandie http://www.6juin1944.com/assaut/aeropus/en_9tcc.ph... http://www.history.army.mil/BOOKS/WWII/100-13/st-l... http://www.history.army.mil/BOOKS/WWII/100-13/st-l... http://www.history.army.mil/BOOKS/WWII/utah/utah.h... http://www.history.army.mil/BOOKS/WWII/utah/utahb.... http://www.history.army.mil/books/wwii/7-4/7-4_8.h... http://www.history.army.mil/books/wwii/7-4/7-4_Con... http://amcmuseum.org/history/troop-carrier-d-day-f... http://www.americandday.org http://www.b-26marauderarchive.org/MS/MS1741/MS174...